Luật pháp có đủ nhưng chẳng mấy ai chấp hành và không thấy cơ quan chức năng nào thực thi
Thị trường mỹ thuật Việt hàng chục năm nay hỗn loạn giá trị thật giả và gần như mất kiểm soát của cơ quan chức năng. Ông Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nói trên BBC tiếng Việt: “Đây là điều hết sức đáng tiếc và cũng rất đau lòng vì thị trường tranh giả ở Việt Nam vẫn chưa giải quyết được từ vài chục năm nay, đặc biệt sau thời kỳ nghệ thuật Việt Nam đổi mới”.
Ngoài tầm kiểm soát
Theo ông Lương Xuân Đoàn, hiện vẫn có một đường dây đưa tranh giả ra khỏi Việt Nam. Thị trường tranh giả Việt Nam vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
“Đây không còn là vấn nạn mà là quốc nạn của mỹ thuật Việt. Nó làm tổn thương đến vong linh của rất nhiều danh họa hàng đầu của Việt Nam cũng như xóa đi khuôn mặt đẹp của nghệ thuật Việt thời kỳ đổi mới. Đây là điều mà nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở nhiều thế hệ rất bất bình nhưng thực sự không có cách gì ngăn chặn được” – ông Đoàn phát biểu với BBC.
“Cơ quan chức năng chưa làm việc”
Đến nay, vụ việc 17 bức tranh giả trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” vẫn chưa có bất cứ ý kiến nào của cơ quan chức năng. Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, cho biết bảo tàng làm đúng những quy định về quy trình triển lãm do Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã ban hành, muốn thay đổi thì bộ phải ra quy trình mới.
Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam – nhìn nhận: “Không cần thêm các phương tiện giám định nào nữa. Trong trường hợp này, đã xác định 17 bức tranh là giả thì cần đơn tố cáo của họa sĩ Thành Chương rồi cơ quan thanh tra văn hóa xem xét, an ninh văn hóa điều tra và quản lý thị trường vào cuộc giải quyết triệt để”.
Đến tranh của các họa sĩ danh tiếng mà còn khó khăn và chưa thể xử lý như thế thì tranh chép kiểu “hàng chợ” ngoài đường phố, hiện trạng ngổn ngang với hàng trăm cửa hàng vô tư “xài” trí tuệ của họa sĩ, sẽ quản lý cách nào?
Ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Việc quản lý bản quyền mỹ thuật trước hết là điều chỉnh theo Luật Sở hữu trí tuệ. Các tác phẩm sao chép có điều kiện đã được quy định rõ trong Quy chế sao chép tác phẩm tạo hình do Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành năm 2004. Điều 9 của quy chế này ghi rõ: Bản sao chép tác phẩm tạo hình phải ghi ở phía sau tác phẩm các thông tin: chữ “bản sao” và tên tác giả, tên tác phẩm, chất liệu tác phẩm gốc, năm sáng tác (nếu có), tên người sao chép, kích thước bản sao chép”.
Dẫn ra Nghị định 113 của Chính phủ ban hành năm 2013 về hoạt động mỹ thuật, Nghị định 158 của Chính phủ ban hành năm 2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có quy định mức phạt cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Vi Kiến Thành nhận xét: “Hành lang pháp lý như thế là đủ nhưng cơ quan chức năng chưa làm việc. Cần những đoàn kiểm tra liên ngành rà soát thường xuyên và tiến hành xử phạt các vi phạm”.
Trông chờ sự hiểu biết của người mua
“Để thẩm định được tranh thật hay giả, trên thế giới người ta dùng rất nhiều phương pháp” – họa sĩ Nguyễn Ngọc Minh cho biết – “Người ta dùng các tia X và tia hồng ngoại để xác định các chất liệu trên bề mặt bức tranh và từ đó có thể biết được tuổi của tranh; chụp cắt lớp để xác định niên đại tuổi toan, đưa tranh vào máy tính để ghi lại các số liệu về đặc tính của nét vẽ; những khác biệt nhỏ nhất trong cấu trúc nét vẽ sẽ được máy tính tìm ra giúp người sưu tầm tranh có thể phân biệt một kiệt tác đích thực với các bức tranh nhái”.
Tuy nhiên, theo họa sĩ Lâm Đức Mạnh, máy tính mới chỉ phân tích một vài khía cạnh về bút pháp của họa sĩ mà chưa chú ý đến các yếu tố quan trọng thể hiện tay nghề của họ, như cách thức pha màu chẳng hạn, nên vẫn cần tới các chuyên gia. Đối với các tác phẩm của đại danh họa mới có thể sử dụng những phương pháp tiên tiến này; còn thông thường, với người mua tranh về treo để thưởng thức, rất cần họ chịu khó tìm hiểu và có tâm với nghệ thuật, đừng ủng hộ hàng giả.
Theo các nhà chuyên môn, hậu quả của nạn tranh giả có thể thấy rõ là những năm gần đây, thị trường tranh Việt đóng băng vì người nước ngoài không còn tin tưởng vào các giá trị thật của các tác phẩm được họ phát hiện, lưu giữ do độ giả quá lớn. Điều này cản trở rất nhiều đến tâm lý sáng tạo của thế hệ họa sĩ trẻ đương đại Việt Nam.
Chớ tin nhà đấu giá
Những năm cuối thập niên 1990, khi mỹ thuật Việt đang có sức hút trên thị trường quốc tế, nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s đã cử chuyên gia đến TP HCM để tìm hiểu việc lập văn phòng tại đây. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, họ đã rút lui chỉ vì Việt Nam còn thiếu nhiều cơ sở pháp lý để mở một phiên đấu giá đúng bài bản, trong đó một phần quan trọng là không có chuyên gia hay một hội đồng khoa học nào có thể thẩm định chính xác tác phẩm để có thể định giá và tránh nhầm lẫn. Còn nhà đấu giá Christie’s Hong Kong thì không phải lần đầu mang tiếng khi chứng nhận tranh giả là tranh thật.
Bà Nora Taylor – giáo sư từ Quỹ Alsdorf về nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á thuộc Học viện Nghệ thuật Chicago – cho biết trên BBC tiếng Việt: Khi Christie’s Hong Kong và Sotheby’s bắt đầu đấu giá các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam vào giữa những năm 1990, họ đã không được chuẩn bị để bán các tác phẩm này ở mức đó. Có nghĩa là họ không có tài liệu lịch sử nghệ thuật nào để dựa vào, không có bằng chứng về nguồn gốc, quyền sở hữu, chứng nhận tính xác thực và không có chuyên gia có thể xác định một cách chắc chắn bất cứ tác phẩm nào, chưa nói tới chuyện đánh giá và ước tính định giá các tác phẩm đó.
“Lần bán đấu giá đầu tiên đã có nhiều lỗi với một số tác phẩm bị quy nhầm tác giả và đưa vào cả các tác phẩm của những nghệ sĩ không tên tuổi cùng với các danh họa bậc thầy như Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng. Sau đó, họ đã thuê các chuyên gia của mình nhưng dường như các chuyên gia đó cũng ít có kinh nghiệm về nghệ thuật Việt Nam. Những tranh giả có thể đã lọt vào các lần đấu giá tại nhà Christie’s Hong Kong và Sotheby’s. Đây là một vấn đề còn nghiêm trọng hơn vì nhiều nhà sưu tầm dùng những lần mua bán đấu giá này như là phương cách riêng của họ để có được chứng minh xác thực” – giáo sư Nora Taylor lo ngại.