Hà Nội thất truyền dòng tranh dân gian Kim Hoàng​

-Gắn với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân, tranh dân gian Kim Hoàng có đủ loại, từ tranh thờ cúng đến tranh chúc tụng.

Cùng với tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ, tranh Kim Hoàng được biết đến là một trong 3 dòng tranh dân gian nổi tiếng của miền Bắc. Gắn với nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân, tranh Kim Hoàng phát triển hưng thịnh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 nhưng đến năm 1945 thì không còn sản xuất và hiện nay đã bị thất truyền. Tâm huyết với dòng tranh dân gian nức tiếng một thời, một số cá nhân ở Hà Nội đang triển khai khôi phục lại. Tuy nhiên, để hồi sinh, làm sống lại dòng tranh này cần có sự vào cuộc chung tay của người dân, ngành văn hóa và chính quyền địa phương.

ha noi that truyen dong tranh dan gian kim hoang​ hinh 1
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các cụ cao tuổi làng Kim Hoàng xác định cách in tranh dân gian Kim Hoàng.

Tranh dân gian Kim Hoàng hình thành từ nửa sau thế kỷ 18, ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thời xưa, tranh Kim Hoàng thường được làm từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm để phục vụ nhu cầu chơi tranh Tết của người dân. Đầu thế kỷ 19, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh nhưng rồi bắt đầu bị thất truyền từ trận lụt năm 1915, khi cả làng bị ngập, nhiều ván in tranh vì thế bị nước lũ cuốn trôi. Sau trận lụt đó, nghề làm tranh dần mai một, đến năm 1945 thì cả làng Kim Hoàng không còn ai làm tranh.

Ông Trần Thịnh, một trong số ít người cao tuổi của làng còn biết về tranh Kim Hoàng cho biết: “Chúng tôi cũng muốn khôi phục lại nhưng lẻ tẻ và đến bây giờ thì mất hết. Số người ở lứa tuổi còn biết về dòng tranh cổ của làng tôi và người đi bán tranh ở chợ chỉ còn đếm đầu ngón tay, rất ít. Cho nên, chúng tôi tiếc lắm nhưng vẫn phải chịu”.

ha noi that truyen dong tranh dan gian kim hoang​ hinh 2
Tranh dân gian Kim Hoàng.

Gắn với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân, tranh dân gian Kim Hoàng có đủ loại, từ tranh thờ cúng đến tranh chúc tụng. Nét độc đáo của dòng tranh này là có nét khắc thanh mảnh, tỷ mỷ, màu sắc tươi sáng. Tranh Kim Hoàng có một đặc điểm riêng mà các dòng tranh dân gian khác không có, đó là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh, vì thế thơ và hình vẽ đã tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ. Không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà được in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu, nên tranh Kim Hoàng còn có tên gọi khác là tranh đỏ.

Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng. Do đó, mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Điều này tạo nên giá trị, điểm ưa chuộng nhất của tranh Kim Hoàng thời đó.

“Tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống và tranh ở miền Nam vẽ một lần trên khung là xong nhưng tranh Kim Hoàng thì phải 3 lần. Tranh khi in ở trong khuôn ra thì in sơ lược trên tờ giấy đỏ nhưng phải tô thêm những nét đặc biệt, sau khi tô thêm thì phải làm bài thơ trên đó thì mới hoàn thiện bức tranh được”, ông Thịnh nói.

Dù mang nhiều giá trị dân gian đặc sắc nhưng tranh dân gian Kim Hoàng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Hiện nay, không còn một nghệ nhân nào ở làng Kim Hoàng còn theo nghề, những bức tranh và bản khắc còn lại của dòng tranh này hiện chỉ còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong bộ sưu tập của các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội cho biết: Trong bộ sưu tập tranh dân gian của bà hiện có khoảng 60 mẫu tranh Kim Hoàng.

Với mong muốn khôi phục lại dòng tranh đã bị thất truyền hơn nửa thế kỷ qua, bà đang phối hợp với 2 họa sĩ là Nguyễn Đức Hòa, Trần Nguyên Đán phục dựng các bản khắc và những mẫu tranh Kim Hoàng: “Tôi sẽ khôi phục lại 60 mẫu đó, hy vọng sẽ duy trì được ở góc độ nào đấy. Còn ngày hôm nay nếu chúng ta không duy trì được dòng tranh Kim Hoàng thì chắc 10 năm sau không ai còn tư liệu nào để khôi phục lại. Các cụ còn nhớ về dòng tranh Kim Hoàng thì năm nay cũng đã 80, 90 tuổi. Đợt vừa rồi, tôi có về hội làng, tôi đã xác định được lại cách in tranh và màu tranh của Kim Hoàng. Cũng may có một ông người Pháp, ông rất trân trọng về tranh dân gian của Việt Nam và ông đã viết một cuốn sách bằng tiếng Pháp về tranh dân gian, trên cơ sở đó thì tôi đã khôi phục được một số tranh dân gian Kim Hoàng”.

ha noi that truyen dong tranh dan gian kim hoang​ hinh 3

Những việc làm của các cá nhân tâm huyết như bà Nguyễn Thị Thu Hòa đang thắp lên hy vọng cho sự hồi sinh của dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Tuy nhiên, để dòng tranh này tồn tại được và có thể sống trong dòng chảy đương đại, ngoài khôi phục, bảo tồn những mẫu tranh Kim Hoàng truyền thống, có thể sáng tác những mẫu mới để có thể phù hợp với thị hiếu của ngày hôm nay. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của những cá nhân, đơn vị tâm huyết thì chính quyền địa phương các làng nghề, thành phố Hà Nội cần có chính sách khôi phục, bảo tồn đồng bộ, dài hơi để làm sống lại những giá trị văn hóa mang hồn cốt dân tộc của tranh dân gian Kim Hoàng.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán cho rằng: Bây giờ muốn khôi phục lại trước tiên phải đào tạo con người có tâm yêu quý văn hóa dân gian và có năng lực sáng tạo nghệ thuật, điều này thì cũng sẽ làm được. Thứ hai là cần có sự ủng hộ của chính quyền, có những nhà tài trợ tâm huyết đầu tư vào, bây giờ mới là bước đầu sẽ khó nhưng nếu quyết tâm cao thì vẫn hy vọng sẽ phục dựng lại được.

Lấy đề tài từ cuộc sống làng quê mộc mạc, giản dị, với hình ảnh của hội làng, đi cày, con trâu, con lợn, con gà… chứa đựng trong đó ước vọng về cuộc sống may mắn, hạnh phúc, no đủ, tranh dân gian Kim Hoàng đã có một thời là món ăn tinh thần của người dân xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc bộ. Vì vậy, cùng với tranh dân gian Hàng Trống, việc hồi sinh dòng tranh giấy đỏ Kim Hoàng bị lãng quên cũng đồng nghĩa với khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mảnh đất Thăng Long- Hà Nội./.

Hồng Bắc/VOV-Trung tâm Tin
Tags:

Gửi thảo luận