Đá quý lên tranh

Lũy tre nơi đầu thôn, những ngôi nhà bên dòng suối nước trong xanh, với cây cầu nhỏ, hay cây đa già mọc giữa cánh đồng đang mùa gặt, xung quanh là đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ bên lũ trẻ và trên trời cao là sáo diều… Đó là phong cảnh quê hương thanh bình, thơ mộng đã được thêu, vẽ trong nhiều loại tranh do chính bàn tay người thợ Việt Nam làm ra. Và nay, những phong cảnh này lại được bàn tay người Lục Yên – Yên Bái tô điểm trên những bức tranh đá, tạo cho ta những rung cảm lạ về một loại tranh mới.

Đá quý lên tranh.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Lục Yên mỏ đá quý, lớn và đẹp. Đá trắng (cẩm thạch) có nhiều nhất, trải một vùng rộng vài trăm ha (kéo dài từ thị trấn Yên Thế tới hồ Thác Bà), mà theo các nhà khoa học, cả nước ta không đâu có và trên thế giới cũng chỉ vài nơi có. Tiếp theo là đá quý hiếm (chủ yếu ruby, saphia) và đá màu các loại, tập trung tại dải núi kéo dài khoảng 10 km từ Nặm Ngập đến Cổng Trời. Cách đây 10 năm, hàng ngàn người dân Lục Yên đã kéo lên núi tìm đá đỏ. Tìm mãi, mỏ “lộc trời” cũng cạn kiệt. Ruby, saphia ở đâu không thấy, đào lên chỉ gặp toàn quặng đá màu với những hạt ruby, saphia “mắt tôm” không có giá trị, “bưởng” trải thành đống cao có ngọn trở thành bãi phế thải. Nhiều người buồn bã trở về với đôi tay trắng; ruộng vườn, nhà cửa đã hoang tàn… Nhưng vào giai đoạn bi kịch nhất, thì một ý tưởng chợt lóe lên: Tại sao không làm tranh từ những hạt đá quý phế thải kia ? Thế là nghề làm tranh đá xuất hiện.

Không ai nhớ “ông tổ” của loại tranh này là ai. Chỉ biết, cái nôi nghề tranh đá là từ huyện Lục Yên, xuất hiện hai, ba năm qua, do chính những người từng một thời lên núi săn tìm đá đỏ phát kiến. Đối với họ đấy không chỉ là lối thoát cho thời kỳ “hậu đá đỏ”, mà còn góp vào “làng” tranh Việt một loại tranh mới.

Từ tinh mơ, thị trấn Yên Thế bên hồ Thác Bà trong màn sương thật bình yên, nhưng dọc đôi bên đường là những xưởng tranh đá lại nhộn nhịp, nối tiếp nhau. Trong xưởng vẽ – nơi tầng hai của bà Trần Thanh Hương, một nhóm thanh niên khoảng 10 người đang mê mải tô theo từng đường nét trên bức tranh phong cảnh quê hương, tranh tứ bình với xuân, hạ, thu, đông, bức chùa Một Cột, đền Hùng, chùa Keo… Trên mặt bàn gỗ choán nửa căn phòng, những cái đầu cứ chắm chúi vào bức họa nhiều mầu sắc. Xung quanh họ, hàng chục chai, lọ, hộp, ống đựng đá mầu đủ loại, là chất liệu để vẽ lên hình khối đầy sự sống. Lâm, chàng trai 25 tuổi, từng đam mê thi vào Trường Đại học Mỹ thuật, nhưng gia cảnh quá nghèo khó, đành gác giấc mơ lớn để theo “bưởng” lên dải núi Nặm Ngập đào đá đỏ. Chỉ sau hai năm, tóc Lâm bạc phơ sương gió. Rồi Lâm cũng như hàng ngàn “chiến binh bại trận”, bỏ giấc mộng “săn” ruby trong lòng núi, để quay về thị trấn vẽ tranh thuê. Thấy Lâm khéo tay, vẽ đẹp, bà chủ “nâng” lên tầm họa sỹ chính, chuyên thể hiện ý tưởng tranh trên bản mẫu. Lâm giải thích: “Để hoàn thiện một bức tranh đá, trước tiên, họa sỹ phải vẽ mầu bằng chì hoặc phấn mầu”. Thông thường, Lâm vẽ tranh nền lên tấm mêca hoặc gỗ để các chàng trai, cô gái theo đường nét mẫu mà rắc đá, bột đá theo tạo hình. Để lên hình khối, đường nét, độ sâu, độ tương phản… những người thợ trẻ phải chọn màu đá một cách chính xác, hợp lý nhất, để rắc lên mặt mêca đúng ý tưởng Lâm vẽ mẫu. Để đính đá và bột đá lên mặt tranh sau khi rắc, họ dùng keo “con voi” nhỏ xuống, chỉ sau vài phút, keo khô, bột đá cũng dính chắc mà không làm mất sắc màu của đá. Bột đá và keo ‘con voi” là hai chất liệu chính để làm tranh. Tuy nhiên, trước khi rắc đá màu tạo đường nét, khối hình, thợ phải rải một lớp đá trắng (bột cẩm thạch) khắp mặt tranh để lót nền cho đẹp, bền chắc và lấp chỗ trống. Bởi vậy, bức tranh đá thường rất dày và nặng. Lâm cho biết: “Tranh đá dù bị chìm sâu dưới nước cũng còn lâu mới hư hoại”. Quá trình vẽ đơn giản vậy, nhưng cần sự kỳ công, tỉ mẩn và phải làm 2 ngày đến cả tuần lễ mới hoàn thiện một bức khổ lớn, nhất là những bức có nhiều chi tiết.

Miệt mài từng hạt tấm

Từ viên đá trắng, từ hạt đá màu ruby, saphia… li ti, để tạo nên tranh, phải qua nhiều khâu gia cố công phu. Tầng một ngôi nhà của bà Diệp Minh Phương (một người từng có thời làm “bưởng”, nay giải nghệ, chuyển nghề làm tranh đá và buôn tranh quy mô lớn từ Lục Yên về Hà Nội) giữa thị trấn, cũng là nơi sưu tầm, sàng lọc, sơ chế đá. Cả căn phòng la liệt đá. Đá chưa chế tác thì bỏ trong sọt, đá đang sơ chế thì bày ngổn ngang trên bàn, đá đã “chuốt” xong thì bỏ chai, hộp, hũ… trông thật đẹp. Công việc của thợ chuốt đá còn tỉ mẩn, miệt mài không thua kém người rắc tranh. Từ hạt đá nhỏ bằng hạt đỗ, to như quả táo… mấy người đàn ông rắn tay cho vào cối sắt, dùng chày sắt giã suốt buổi sáng, mới mịn ra như bột hoặc nhỏ li ti như hạt tấm. Đá giã xong được vét ra trải lên bàn, năm sáu cô gái ngồi xúm quanh, tay cầm chiếc kẹp gạn nhặt, phân loại từng loại màu đá, kích cỡ riêng nhau. Anh Xuân, người phụ trách công việc này thay bà Phương cho biết: Đá phân loại xong chưa thể làm tranh ngay, mà còn “chuốt”, tức là tẩy rửa, sàng sẩy cho óng ánh, hạt đá tròn đều, trơn mịn… thì rắc lên tranh mới rõ nét.

Làng Đông Hồ (Bắc Ninh), phường Hàng Trống (Hà Nội)… làm tranh cũng cầu kỳ, phức tạp, nhưng không bằng làm tranh đá Lục Yên. Mỗi bức tranh đá khổ 90×120 cm cần hàng triệu hạt đá quý. Để có hàng triệu hạt đá, từ người rắc đá lên tranh đến người nhặt đá, chuốt đá… phải thao tác với từng hạt li ti một, nếu không kiên nhẫn thì sẽ phải bỏ cuộc ngay. Và để có nguồn đá quý hiếm ấy, ngày lại ngày, nơi núi rừng thâm u, trong hang đá lạnh, hàng trăm người vẫn lang thang tìm từng viên, từng hạt đá quý một để đưa về thị trấn.

Lâm nói: “Trong nghệ thuật vẽ sơn dầu, bột màu, họa sỹ có thể pha, phối hai hoặc nhiều loại mầu theo công thức và lô gíc để có mầu thứ ba chuẩn, thì trong xưởng vẽ tranh đá, chúng tôi phải tìm ra mầu đá sẵn có đúng ý tưởng. Tuỳ độ nhạt đậm sắc màu, hình khối mà rắc liều lượng đá mầu, rắc đá hạt hay đá bột, đá hạt to hay hạt nhỏ, rắc thưa hay mau… Đặc biệt, tuỳ chi tiết tranh mà chọn mầu đá thích hợp”. Bởi vậy, mục đích của những cơ sở làm tranh có uy tín và trình độ nghệ thuật cao là phải “săn” được nhiều loại đá mầu khác nhau. Anh Xuân từng có 8 năm lên núi Nặm Ngập săn đá đỏ, còn bây giờ thi thoảng cũng lên núi kiếm đá mầu về cho xưởng, kể: “Đá mầu trên núi có nhiều, nhưng tìm được mầu đá ưng ý nhất lại rất khó. Nhiều chi tiết tranh không có thứ đá ấy thì không thể vẽ được”. Hiện, vùng Lục Yên chỉ có khoảng 30 mầu đá, số còn lại chủ xưởng làm tranh phải nhập về từ nhiều vùng đá nổi tiếng khắp cả nước, như Hà Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng… Chị Nguyễn Thị Xíu (Oanh Xíu), tầm 35 tuổi, chủ cơ sở tranh và đá quý hiếm Đức Tín (sau hồ Yên Thế), cho hay, xưởng của chị hiện đã sưu tập được khoảng 47 mầu đá các loại, nhưng vẫn chưa đủ cho các hoạ sỹ mày mò sáng tác, và có loại vẫn phải nhập từ Thái Lan.

Theo chị Xíu, đá gốc là loại đá trắng có rất nhiều trên núi, chỉ việc “đánh về”, xay mịn thành bột lót nền tranh, kiếm cũng dễ vì có nhiều người lên núi khai thác đưa về bán, nhưng loại đá mầu thì rất khó kiếm. Cứ sáng tinh mơ, hàng trăm người dân thị trấn lại lên rừng, lang thang dọc suối, nhặt từng viên đá lộ thiên. Nhặt mãi, đá cũng khan hiếm, họ phải chui sâu vào những hang động, dùng đèn pin soi, nhặt. Còn bây giờ, ngay cả hang động cũng khó kiếm tìm, nhiều người phải đưa máy móc lên đào hầm hố sâu vào lòng núi, sau đó đưa đất đá lên đãi trong bồn gỗ. Nếu được saphia, ruby chính hiệu (to viên, trong suốt, mầu chuẩn, không rạn) thì bán cho “bưởng” kiếm vài trăm triệu, nhưng chủ yếu, họ lại chỉ gặp đá màu, trong đó có cả ruby, saphia cấp thấp, vỡ rạn, nhỏ hạt… thì để mang về làm tranh. Nhiều khi, để tìm được loại đá mầu phù hợp (nhất là đá đen để vẽ tóc người, đá xanh để vẽ mầu nước…) cũng phải lang thang trên núi cả tháng trời.

Giá trị của mỗi bức tranh đá không chỉ vì khổ tranh lớn hay nhỏ, ý tưởng, chi tiết mà còn vì chất liệu đá, kiểu hạt đá. Tranh càng rắc nhiều đá quý, đá hiếm (chẳng hạn ruby, saphia cao cấp) và hạt đá càng to, mẩy, óng… thì giá càng đắt. Thông thường, một bức tranh khổ 90x120cm, bình dân, giá cũng từ 2 đến 3 triệu đồng; có những bức giá lên tới 10 triệu đồng là hàng đặt của khách từ Hà Nội lên, từ nước ngoài về, làm cả tháng trời mới xong. Hiện, nghề làm tranh đá quý Lục Yên đang trên đà khởi sắc. Trên thị trường cũng bắt đầu xuất hiện những “đại gia” buôn tranh đá, đưa hàng trăm bức về Hà Nội, vào tận Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… bán với giá gấp ba, bốn lần giá gốc.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng phòng Công nghiệp huyện Lục Yên cho biết, chỉ trong hai năm, thị trấn Yên Thế đã xuất hiện khoảng 40 cơ sở làm tranh đá lớn, chưa kể số hộ sản xuất nhỏ lẻ. Đây vẫn là nơi duy nhất trong cả nước có nghề làm tranh đá quý. Chính quyền Huyện cũng đang khuyến khích người dân mở mang nghề này, coi là nghề mũi nhọn phát triển kinh tế, giúp người dân có việc làm ổn định, dần từ bỏ nghề lên núi săn đá đỏ vừa tốn kém, gây mất an ninh trật tự, lại dễ xảy ra tai nạn. Ông tâm sự: “Những hạt đá quý hiếm trong lòng đất, dù chỉ ở dạng quặng, không nguyên vẹn, không thể đổi thành tiền triệu, tiền tỉ, nên bị vứt đi, nhưng được thiên nhiên mài đúc qua hàng triệu năm đã là những món tài sản vô giá, nay lại được biến thành tranh với tất cả niềm đa mê, lòng kiên nhẫn của người thợ từng bạc đời vì đá đỏ, thì thật nhiều ý nghĩa. Tranh đá Lục Yên xuất hiện đã bổ sung thêm vào “làng” tranh Việt Nam một dòng mới rất độc đáo: tranh đá quý hiếm. Nước ta đã từng có tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống (tranh dân gian, truyền thống), rồi gần đây cũng ra đời loại tranh lá, tranh tre, tranh cánh bướm… và nay lại xuất hiện loại tranh bằng đá saphia, ruby”.

Theo IRV

Tags:

Gửi thảo luận