Tranh đá quý chết gí theo bất động sản

Việc kinh doanh đá phong thủy, trang đá quý đã trở nên phát triển trong mấy năm gần đây. So với các ngành kinh doanh khác, mặt hàng đồ trang trí như đá cảnh, tranh đá quý khá kén chọn khách mua và kén chọn người bán. 

Từ những khối đá lớn ở mỏ được chuyên chở từ mỏ đá, cho đến công đoạn rửa rạch, pha khối, tạo hình, hoàn thiện là cả một hành trình gian nan và kiên nhẫn.

Thông thường, theo chị Giang (chủ công ty Sắc Ngọc Việt, số 682 Hoàng Hoa Thám), đá hiện nay thường được nhập hầu hết từ Yên Bái, số khác ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng. Với mỗi một lần nhập đá, người kinh doanh phải có kinh nghiệm lựa chọn đá tốt, đá đẹp trên các mỏ. Nếu mua với số lượng lớn, (như công ty chị Giang vừa nhập đá về bán buôn, vừa để làm đá và tranh phong thủy), giá bán đá sẽ rẻ hơn mua lẻ, ở mức giá khoảng 150-200 nghìn đồng/kg.

Sau khi mua về, đá được pha thái nhỏ dần, bỏ đi phần bìa bên ngoài đã bị oxi hóa, người thợ sẽ quyết định xem liệu có thể sử dụng làm đá cảnh hay không. Với những phần đá vụn, đá không đẹp để làm đá cảnh khối lớn, thợ đá sẽ pha nhỏ, giã nhỏ, sàng thành những viên đá với nhiều kích thước, màu sắc khác nhau giúp tạo hình tranh đá quý.

Mỗi loại đá quý thường mua khoảng 10 tấn từ mỏ đá, giá mua có thể lên đến tiền tỷ. Bù lại, nếu nhiều sản phẩm thu về tốt, riêng hòn đá cảnh đẹp hay mỗi bức tranh có giá trị, giá bán có thể lên đến vài trăm triệu đồng.

Mức giá bán tranh đá quý dao động rất lớn, từ vài trăm ngàn đồng lên đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng.

Chị Giang cho biết: “Năm nay xây dựng và bất động sản ngưng trệ, không ai xây hay mua nhà mới, mọi người thắt chặt chi tiêu, thành thử đồ trang trí quý giá cũng ế theo. Năm ngoái, công ty từng có 3 showroom với hơn chục thợ lành nghề thì nay chỉ còn 1 showroom và 5 nhân viên cứng”.

Những năm trước, khi thị trường bất động sản sôi động, kinh tế chưa rơi vào suy thoái, việc sản xuất không kịp cung ứng là điều thường xuyên xảy ra, nhất là vào dịp Tết nguyên đán. Nếu so về doanh số bán hàng, chị Giang cho biết, năm 2012 chỉ bằng 1/4 năm 2011 và rất khiêm tốn so với các năm trước đó. Người dân thắt chặt chi tiêu, do đó nhu cầu về hàng xa xỉ cũng hạn chế đi đáng kể.

Dù doanh số giảm sút đi nhiều, nhưng tỷ suất lợi nhuận theo chị Giang xác định thường ở mức 20-30%. Tuy nhiên, để có mức lợi nhuận hấp dẫn như vậy, phải có rất nhiều kinh nghiệm làm nghề, các công đoạn và quá trình sản xuất thủ công, mà quan trọng nhất là khoảng thời gian đá ở xưởng với những người thợ tài ba.

(Theo TTVN)

Tags:

Gửi thảo luận