Trang trí nhà bằng tranh ghép gỗ

Ở Việt Nam, nghệ thuật tranh ghép gỗ là một kho báu vô giá cho các nhà sưu tập và nhà nghiên cứu. Nghệ thuật này xuất hiện từ xa xưa, cha truyền con nối trải qua nhiều thế hệ.Tranh ghép gỗ được sản xuất ở nhiều địa phương, hoặc tập trung từng làng, hoặc do từng hộ gia đình in riêng. Trong các trung tâm nổi tiếng, có Đông Hồ (Hà Bắc), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Nam Hoành (Nghệ Tĩnh), Sình (Huế).

Tranh ghép gỗ

Tranh mỗi vùng vẫn mang đậm sắc thái và kỹ thuật riêng nhưng đều tựu chung một nét là hết sức hồn nhiên, trực cảm. Nội dung, hình thức đều độc đáo: ý tứ và bố cục, nét vẽ và bảng màu, lại thêm cảm quan hài hước sắc sảo trong xử lý đề tài, hình thành từ cội nguồn văn hoá, và phong tục tập quán riêng.

Tranh ghép gỗ hiện được đang được khá nhiều người yêu thích bởi cách phối màu (của gỗ tự nhiên) nhuần nhuyễn và tinh tế. Anh Xuân Thủy – chủ của trung tâm ảnh gỗ nghệ thuật Xuân Thủy – chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết: “Các tác phẩm tranh gỗ đòi hỏi ở nghệ nhân sự khéo léo và tính kiên nhẫn. Một bức tranh ghép đơn giản như Tứ bình cũng mất ba tuần lễ mới hoàn thành. Có bức mất khoảng 6 tuần để ghép thật khít khao khoảng 2.500 mảnh của hơn 150 loại gỗ. Ghép xong, người nghệ nhân phải tạo độ phẳng mịn cho tranh, cuối cùng là phủ lên mặt tác phẩm một lớp keo để giữ cho màu gỗ luôn được tự nhiên. Yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của bức tranh chính là tìm cho được thớ gỗ và màu sắc gỗ thích hợp”.

Tranh ghép gỗ nghệ thuật Việt Nam đã trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật có giá trị trường tồn góp phần phát triển văn hoá nghệ thuật dân tộc, và là niềm tự hào văn hoá của đất nước

Quy trình sản xuất:

Về cơ bản tranh được làm từ nguyên liệu chính là gỗ, hình ảnh bức tranh được thể hiện bằng cách dùng nhiều loại gỗ có vân gỗ, màu sắc khác nhau khảm lên nền là một tấm gỗ có diện tích trải rộng.

Tranh ghép gỗ nghệ thuật có 2 loại :

– Tranh khảm nổi: Các đường nét nổi lên khỏi nền bức tranh.
– Tranh khảm chìm: các đường nét phẳng bằng với nền bức tranh.

Khi đã có đủ chất liệu gỗ để có thể tạo nên một bức tranh, tiếp theo đó, bước thứ hai nhà hoạ sỹ phải bỏ khá nhiều công sức để thao tác qua các công đoạn: xử lý, chống mối mọt, chống co dãn, ép phẳng gỗ…mất hàng tháng trời.

Sau đó rồi mới bắt đầu hì hục cưa, đục, đẽo gọt, trau chuốt, chắp gắn suốt ngày đêm theo bản mẫu mà anh đã vẽ sẵn. Để hoàn thành mỗi chi tiết rất nhỏ trong một bức tranh ghép gỗ, có khi cũng mất hàng mấy ngày. Sau khi bức tranh đã hoàn thành công đoạn gắn ghép, lại bước sang công đoạn mài giũa, đánh bóng… Người hoạ sỹ làm tranh ghép gỗ không những biết cầm cọ vẽ, mà còn phải có sức khoẻ, có thể cầm được cưa, búa, đục…

Khi sản phẩm hoàn thành, sờ vào bức tranh ghép gỗ, tay bạn như chạm vào một bức sơn mài với bề mặt láng mịn, nhẵn bóng, không hề có một đường gờ nổi lên dù tác phẩm được ghép từ hàng nghìn mảnh gỗ khác nhau.

Tags:

Gửi thảo luận